1. Các động tác xoa bóp bụng
Xoa bóp bụng khi bị đau dạ dày được sử dụng phổ biến trong dân gian và ngày nay cũng thường được áp dụng trong vật lý trị liệu. Thực tế đã cho thấy nếu biết tác động đúng cách sẽ có tác dụng xoa dịu và làm giảm các cơn đau, cơn co thắt, những kích thích quá mức ở vùng dạ dày. Không chỉ có vậy, kỹ thuật xoa bóp bụng còn làm tăng tuần hoàn máu và giúp cải thiện chức năng hoạt động của hệ tiêu hoá.
Các bước thực hiện kỹ thuật xoa bóp bụng:
Thêm vài giọt dầu nóng vào lòng bàn tay, xoa đều cho hai lòng bàn tay nóng dần lên;
Áp hai tay vào bụng, xoa theo hướng trái - phải, lên - xuống;
Thời gian thực hiện: cần làm liên tục trong 10 - 15 phút để vùng bụng ấm dần;
Nên xoa bóp vào các huyệt đạo để dạ dày giảm cơn đau như: huyệt Thái Xung, huyệt Túc Tam Lý, huyệt Trung Quản, huyệt Tam Âm Giao,...
Nên thực hiện sau khi ăn 1 giờ, không nên xoa bóp bụng khi vừa ăn no xong vì như vậy dễ khiến dạ dày càng tăng triệu chứng đau.
2. Hít thở đều
Căng thẳng trong thời gian dài cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới đau dạ dày. Trường hợp bị đau bao tử do stress, bệnh nhân có thể thực hiện động tác hít thở sâu, điều này có tác dụng thư giãn cho hệ thần kinh, giúp tâm trạng được thoải mái và bình tĩnh hơn.
Hít thở sâu là phương pháp giúp giảm triệu chứng đau bao tử
Ngoài ra, hít thở sâu, đều còn giúp giảm tiết dịch vị ở dạ dày, giảm co bóp và giải phóng Endorphins - một loại chất dẫn truyền thần kinh tạo nên cảm xúc tích cực, giúp giảm đau hiệu quả một cách tự nhiên. Khi hít thở đều, sự tuần hoàn của máu tới dạ dày cũng được lưu thông và cải thiện đáng kể. Phương pháp thực hiện hít thở sâu:
Bệnh nhân nằm ngửa trên sàn hoặc trên giường;
Toàn bộ cơ thể cần được thả lỏng, 2 tay đặt lên bụng;
Hít hơi sâu bằng mũi cho đến khi căng bụng để lấp đầy không khí trong phổi;
Từ từ thở ra bằng miệng, bụng hóp lại;
Bệnh nhân lặp lại động tác này từ 3 - 5 nhịp và thực hiện ít nhất 2 lần/ngày;
Bất cứ khi nào cơn đau dạ dày xảy đến bạn đều có thể áp dụng.
3. Giảm đau dạ dày bằng cách bổ sung nhiều nước
Đau bao tử cũng có thể là hệ quả của việc cơ thể bị mất nước. Tình trạng này khiến cho axit trong dịch vị dạ dày bị trào ngược lên thực quản gây nên các cơn đau bụng và táo bón. Nghiên cứu chỉ ra rằng nước là một nhân tố quan trọng giúp cơ thể hydrat hoá ruột kết và đào thải độc tố, tham gia hỗ trợ cho quá trình phân huỷ sinh hóa protein, lipid và carbohydrate. Từ đó, nước có vai trò nhất định trong việc phân giải thức ăn để các chất dinh dưỡng được cơ thể hấp thụ một cách dễ dàng hơn.
Nếu bị đau bao tử, hay thử giảm đau bằng một ly nước ấm
Để giúp thanh lọc cơ thể cũng như giảm thiểu các cơn đau bao tử, phụ nữ cần uống khoảng 2,7 lít nước/ngày, đối với nam giới là 3,7 lít/ngày. Điều này cũng còn tuỳ thuộc vào thể trạng và điều kiện sinh hoạt của mỗi người. Trẻ nhỏ có thể uống ít nước hơn so với người lớn, còn những người vận động thể dục, thể thao, làm việc nhiều ngoài trời thì cần uống nhiều nước hơn. Cần chú ý là không nên bổ sung nước dồn dập vào cùng một lúc sẽ khiến cho dạ dày bị căng giãn quá mức gây đau tăng lên.
4. Phương pháp điều trị đau bao tử bằng gừng
Gừng là một loại thực vật có tính ấm, tác dụng kháng viêm và có lợi cho sức khỏe con người. Đặc biệt gừng thường được sử dụng trong việc giảm thiểu hiệu quả các triệu chứng như ợ chua, buồn nôn khi bị đau dạ dày cấp.
Hướng dẫn chế biến bài thuốc điều trị đau bao tử từ gừng:
Cách 1: thái từ 1 - 2 lát gừng tươi, nhai sau đó nuốt từ từ sẽ giúp cơn đau thuyên giảm;
Cách 2: nếu gừng quá khó ăn đối với bạn, hãy đem rửa sạch, cắt thành 2 - 3 lát mỏng rồi thả vào cốc nước sôi, ngâm trong khoảng từ 5 - 10 phút. Có thể cho thêm 1 thìa mật ong khuấy đều lên cho dễ uống. Do mật ong là một món quà của thiên nhiên có tác dụng giảm viêm, diệt nấm, kháng khuẩn, chống oxy hoá, làm lành các thương tổn ở niêm mạc dạ dày nên khi thêm mật ong vào trà gừng còn giúp tăng hiệu quả giảm đau;
Lưu ý: nên chọn loại gừng tươi, trước khi dùng cần loại bỏ vỏ bên ngoài. Nếu không có sẵn gừng tươi thì bạn có thể thay thế bằng bột gừng.
5. Uống nước dừa giúp giảm đau bao tử
Thành phần trong nước dừa chưa một lượng lớn kali và magie. Các dưỡng chất này giúp thanh nhiệt và làm giảm các cơn đau co thắt ở dạ dày. Cũng chính vì thế mà nước dừa là một trong những thức uống giải khát bổ dưỡng, đặc biệt hay được dùng để làm phương pháp cải thiện những vấn đề của hệ tiêu hoá.
Nước dừa rất tốt trong điều trị giảm đau dạ dày
Nước dừa như một thức uống bù điện giải chứa một hàm lượng acid, calo và đường hoàn toàn tự nhiên. Nó có tác dụng tăng khả năng kháng viêm và thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nhưng người bệnh không nên uống quá nhiều nước dừa, trung bình chỉ cần 1 trái/ngày là đủ vì tác dụng phụ là khiến bệnh nhân bị lạnh bụng, khó tiêu.
6. Kiểm soát cơn đau dạ dày qua chế độ ăn
Bữa ăn đủ dinh dưỡng, giàu chất xơ là cách chữa đau dạ dày tại nhà đơn giản và đem lại hiệu quả tích cực. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chất xơ đóng vai trò quan trọng cải thiện hệ tiêu hóa. Chất xơ giúp thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn, hỗ trợ quá trình chuyển hóa và phân hủy thức ăn.
Cơ thể thiếu hụt chất xơ có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh đau dạ dày. Vì vậy, việc nạp chất xơ rất quan trọng. Một số thực phẩm giàu chất xơ người bệnh dạ dày có thể bổ sung gồm các loại rau có màu xanh đậm, các loại hạt như hạt bí, hạnh nhân, hạt Chi-a…
Bên cạnh việc nạp các loại thực phẩm giàu chất xơ, người bệnh nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có chứa chất bảo quản, thực phẩm lên men. Không nên dùng các chất kích thích, món ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ.
7. Chườm ấm giúp giảm cơn đau dạ dày
Đối với những ca đau dạ dày mức độ nhẹ, âm ỉ thì có thể tạm thời uống một cốc nước ấm. Trường hợp triệu chứng đau không giảm thì nên tìm cách chườm ấm bụng. Biện pháp này được ứng dụng khá rộng rãi và đã được y học cổ truyền công nhận về tính hiệu quả của nó.
Nhờ được chườm ấm, các mạch máu khu vực thượng vị được giãn ra và giúp tình trạng co bóp quá độ được giảm thiểu, qua đó các cơn đau bao tử cũng thuyên giảm theo. Bệnh nhân có thể thực hiện chườm ấm với các bước sau:
Sử dụng một túi chườm đổ đầy nước ấm, nhiệt độ nước khoảng 50 - 65 độ C;
Nhẹ nhàng đặt túi chườm lên vùng thượng vị. Thời gian chườm từ 10 - 20 phút cho đến khi túi nước nguội dần;
Trong khi chườm ấm, người bệnh nên kết hợp với động tác hít thở sâu và đều để cơn đau bao tử giảm dần và chấm dứt hoàn toàn.
Hãy thử chườm ấm khi cơn đau bao tử ập đến
Chườm ấm là một biện pháp có lợi trong việc tăng cường khả năng tuần hoàn máu ở dạ dày và đường ruột, giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng, thúc đẩy quá trình tiêu hoá diễn ra dễ dàng hơn.