Nữ minh tinh màn bạc Hedy Lamarr là nhà phát minh "hệ thống liên lạc bí mật"
Hedy Lamarr – nữ minh tinh màn bạc nổi tiếng với vẻ đẹp xuất chúng và nét quyến rũ lạ thường, cũng chính là người đã phát minh ra “hệ thống liên lạc bí mật”, được coi là tiền đề của những công nghệ như WiFi, Bluetooth, GPS… Mời anh em cùng tìm hiểu về cuộc đời cũng như về lịch sử phát minh ra công nghệ huyền thoại mà cho tới nay, bất cứ ai cũng dùng tới này.Lý lịch trích ngang
Sinh ngày 09/11/1914, nữ diễn viên người Ý Hedy Lamarr, tên khai sinh là Hedwig Eva Maria Kiesler, sinh trưởng trong một gia đình trung lưu giàu có tại Vienna, nơi cô sớm được tiếp xúc với nghệ thuật như: được học đàn piano cổ điển, học múa ba-lê, học hát opera và các môn liên quan tới hóa học. Chính những điều kiện này đã giúp cô nhen nhóm đam mê với biểu diễn nghệ thuật, đồng thời tỏ ra thích thú với nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Cô cũng rất hay mày mò với các dụng cụ, đồ dùng của bản thân, thích “khám phá” hộp nhạc và là người có tính cách theo kiểu sẽ “đập bể bóng đèn” để biết cách chúng hoạt động.
Khi ở độ tuổi vị thành niên, Hedy đã sớm sở hữu vẻ đẹp khiến ai ai cũng phải trầm trồ khen ngợi. Chính điều này đã góp phần không nhỏ cho những thành công sau này của cô, tuy nhiên cũng phần nào đó giới hạn trí tuệ thực sự của người đẹp này. Cô quyết định dấn thân vào con đường nghệ thuật khi trở thành diễn viên vì cô nghĩ rằng điều này “vui hơn đi học”. Hedy vì thế đã giả mạo chữ viết của mẹ để viết một đơn xin phép nghỉ học và sau đó đi tham gia một buổi thử vai. 17 tuổi, Hedy Lamarr đã có vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp khi tham gia vào bộ phim “Geld auf der Strase” (Money on the Street). Nàng thiếu nữ Hedy tiếp tục sự nghiệp diễn xuất khi tham gia một bộ phim được châu Âu sản xuất năm 1932 – Exstase. Chính tác phẩm này làm nổ ra những tai tiếng và bàn tán cho Hedy trong suốt quá trình quay phim.
Vincent Brook – một nhà văn và đồng thời là giảng viên tại viện đào tạo nghệ thuật UCLA nhận xét rằng vẻ đẹp của Hedy Lamarr đã che lấp toàn bộ những tài năng khác của cô. Sức hấp dẫn và vẻ quyến rũ toát ra từ Hedy tuy giúp cô tỏa sáng với nghiệp diễn xuất, nhưng lại che lấp đi vẻ đẹp trí tuệ vốn luôn tồn tại song song trong con người cô.
Năm 1933, Hedy Lamarr kết hôn với Fritz Mandl, nhưng cuộc hôn nhân cũng sớm đổ vỡ. Cô nói đã sớm biết sẽ không thể tiếp tục nghiệp diễn xuất nếu vẫn tiếp tục cuộc hôn nhân này. Chồng của cô luôn muốn kiểm soát cô, và cô cảm thấy bản thân chỉ giống như một con búp bê hay một thứ đồ vật bị trưng bày trong tủ kính, không thể tự do làm những gì bản thân muốn, không hề có cuộc sống của riêng mình. Khi đã không thể chịu đựng được sự trói buộc đó nữa, Hedy Lamarr quyết định từ bỏ cuộc hôn nhân không hạnh phúc ấy và rời bỏ nước Ý. Cô đến London và sớm liên lạc với tập đoàn truyền thông Metro-Goldwyn-Mayer tại Hollywood dưới cái tên Hedy Lamarr. Bộ phim Mỹ đầu tiên của nữ minh tinh - “Algiers”, đã nâng sự nghiệp của cô lên một tầm cao mới, đưa cái tên Lamarr phủ sóng khắp mọi nơi.
Brook cảm thán rằng tiêu chuẩn kép về sự quyến rũ đã bị đảo lộn kể từ khi Hedy Lamarr xuất hiện. Cô và Marlene Dietrich – nữ diễn viên có tông giọng Đức nam tính, mang trong mình nét thu hút, quyến rũ lạ thường, là 2 nữ minh tinh đã thành công trong việc giữ vững danh tiếng “phá đảo phòng vé” của mình.Phát minh vĩ đại
Trong những năm đầu nổi tiếng với danh tiếng mới, Lamarr đã hẹn hò với khá nhiều sao nam tại Hollywood và cả với những người đàn ông ngoài ngành, bao gồm nhà tài phiệt nổi tiếng Howard Hughes. Đến năm 1942, sự đổi mới trong tư duy của Lamarr chính là nguồn cảm hứng dẫn đến một phát minh chưa từng có. Bắt tay hợp tác với nhà soạn nhạc George Antheil, Lamarr đã phát minh ra một thiết bị điện tử với khả năng giảm thiểu sự gây nhiễu của tín hiệu radio.
Trong suốt thời kỳ xảy ra Thế Chiến II, mẹ của Hedy bị bắt giữ tại Vienna, và vì là người Do Thái nên lúc bấy giờ hoàn cảnh của bà là cực kỳ nguy cấp. Biết được điều đó, Hedy luôn mong muốn tìm cách để cứu mẹ mình và đưa bà đến Mỹ. Thế nhưng, bà cũng biết rằng nếu đưa mẹ vượt Đại Tây Dương để đến Mỹ cũng nguy hiểm vô cùng, bởi tại thời điểm đó, tất cả những con tàu của Mỹ đi qua khu vực này đều bị Đức Quốc xã đánh chìm. Đó là nguyên nhân dẫn đến những đêm cật lực nghiên cứu của Hedy Lamarr nhằm tạo ra một loại ngư lôi được điều khiển từ xa, đồng thời nâng khả năng nhắm bắn chính xác mục tiêu để đảm bảo có thể bắn hạ toàn bộ tàu ngầm của Đức Quốc xã ở khu vực Đại Tây Dương, nhằm “dọn sạch” lối đi đến Mỹ. Để đảm bảo rằng tín hiệu radio của ngư lôi không bị phá bởi Đức Quốc xã, Hedy đã tạo ra một “hệ thống liên lạc bí mật” không thể bị gây nhiễu.
“Hệ thống liên lạc bí mật” này tận dụng tính thay đổi của sóng vô tuyến nhằm ngăn khả năng giải mã thông tin của quân địch. Vô số tần số vô tuyến được dùng để phát một tín hiệu vô tuyến. Chúng luôn liên tục thay đổi ngẫu nhiên, và vì thế, với những ai nghe thấy những tín hiệu này thì chỉ như đang nghe thấy tiếng ồn nào đó; nhưng chúng sẽ trở thành thông điệp dễ hiểu đối với người gửi và người nhận khi cả hai nhảy cùng một tần số.
Hedy nhấn mạnh rằng nguồn động lực chính khiến cô quyết định hỗ trợ cho quân đội Mỹ trong Thế Chiến II là vì cô muốn nhận được sự giúp đỡ của họ để giải cứu mẹ cô ra khỏi châu Âu. Mặc dù phương pháp này bị bỏ xó trong suốt thời kỳ chiến tranh, thế nhưng nó đã trở thành cách thức liên lạc then chốt trong suốt các thập kỷ qua. Cô đã gửi tặng bằng sáng chế của phát minh này cho quân đội Mỹ và nó đã được sử dụng lần đầu tiên trong suốt thời kỳ Khủng hoảng tên lửa Cuba. Nhiều người tin rằng phát minh của Hedy Lamarr đã góp phần tạo ra các công nghệ hiện đại như WiFi, GPS, Bluetooth và các thiết bị như điện thoại. Công nghệ nhảy tần này chính là một sự châm biếm đầy nghệ thuật, góp phần giúp một người phụ nữ tưởng chừng chỉ có sắc không tài lập tức trở thành một kỹ sư thiên tài đáng tôn trọng.Quá khó để tin
Quân đội Mỹ đã quyết định không sử dụng hệ thống của Lamarr, và dù hai thập kỷ sau đó nó cuối cùng cũng được đưa vào ứng dụng, nhưng vì bằng sáng chế của cô đã hết hạn, thế nên Lamarr chẳng nhận được bất cứ lợi ích nào từ phát minh của mình.
Các nhà khoa học và các nhà phát minh đã từng nghe kể về câu chuyện của ngôi sao nổi tiếng quyến rũ nhất Hollywood chính là nhà phát minh ra một hệ thống liên lạc bí mật, nhưng họ nghĩ rằng đó là một huyền thoại nổi tiếng nào đó khác. Bên cạnh đó, do Hedy chưa bao giờ công khai câu chuyện này, nên khi mọi người nghe về nó, họ đều nói rằng nó “quá khó để tin”.
Tuy không gặt hái được gì từ phát minh của mình, Hedy vẫn tiếp tục thành công tại Hollywood với vai trò diễn viên. Thế nhưng, sự nghiệp của cô dần đi xuống từ những năm 1950, và những lùm xùm về đời sống cá nhân của cô như: các cuộc hôn nhân chóng vánh (6 lần kết hôn), 2 lần bị bắt giam, cùng với những tin về việc lạm dụng thuốc quá đà.
Sau thời gian rút lui khỏi nghề diễn, những thành tựu bà đạt được khi còn là một nữ minh tinh mới được công nhận rộng rãi. Đến năm 1997, Tổ chức Electronic Frontier đã trao thưởng cho phát minh của Lamarr và Antheil. Lamarr cũng là người phụ nữ đầu tiên nhận được giải thưởng Spirit of Achievement tại hội nghị the Invention Convention’s Bulbie Gnas; và cũng được vinh danh tại Bảo tàng phát minh quốc gia cho phát minh “kỹ thuật chuyển đổi sóng (hệ thống liên lạc bí mật” vào năm 2014. Bà qua đời năm 2000 do mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch.Cho tới nay, kể cả trong giới nghệ thuật lẫn khoa học kỹ thuật, bà vẫn luôn được nhớ đến với vẻ đẹp đặc biệt và tài năng trí tuệ của mình. Alexandre Dean – đạo diễn của bộ phim tài liệu kể về cuộc đời của nữ minh tinh Hedy Lamarr “Bombshell: The Hedy Lamarr Story”, cho rằng Hedy không chỉ đơn thuần là một minh tinh màn bạc sở hữu vẻ quyến rũ cực kỳ thu hút. Ông cho rằng Hedy còn có tính cách hài hước tuy hơi kỳ quặc nhưng lại mang đến sự thú vị khó tả. Ngay từ lần đầu gặp Dean, cô đã bông đùa rằng “tôi nghĩ sau khi tôi chết thì tôi sẽ kiểm soát tất cả mọi người”. Hedy Lamarr cũng nói rằng không quan tâm lắm dù người ta có tin cô hay không, và cô nhận thức được rõ những gì đã trải qua. Cô cũng chẳng mấy khó chịu dù người ta không công nhận phát minh vĩ đại của cô.
Anh em cảm thấy thế nào về cuộc đời của nữ minh tinh Hedy Lamarr? Phải chăng quá đẹp cũng không hẳn là tốt khi điều đó che mờ đi vẻ đẹp trí tuệ đáng lẽ ra phải sớm được công nhận và tuyên dương xứng đáng hơn? Và, một lần nữa, phải chăng “chữ tài đi với chữ tai một vần?”
"Any girl can be glamorous. All you have to do is stand still and look stupid." - Hedy Lamarr
Theo Howstuffwork
No comments:
Post a Comment